28 tháng 7, 2013

20- Tre già tự nhiên và tre "già nhân tạo" (tre sấy)

Tre già tự nhiên và tre già nhân tạo 

Khi mua 1 chiếc lồng tre, hẳn nhiên ai cũng mong muốn một chiếc lồng tre càng già càng thích. Bởi vì tre già không chỉ đẹp mà còn cứng và bền bỉ, khó bị mốc, khó biến dạng bởi thời tiết. Nhưng tre già không có nhiều để sử dụng, bởi lẽ hàng thủ công mỹ nghệ từ tre không chỉ có lồng chim.

Để "hô biến" một thanh tre bình thường thành tre "già đậm" không khó, vì chỉ cần sấy nhiệt độ cao khoảng 80 độ C thì tre non cũng sẽ có màu đen đen kiểu như "tre già đen kít". Sau khi sấy nhiệt độ cao thì tre thường sẽ có màu gần giống tre già để lâu xuống màu đậm, tuy nhiên màu tre sẽ thâm đen toàn bộ chứ không thể thấy sớ tre (bởi tre non và tre thường vốn đã không thấy sớ tre) và không thể giống y như tre già tự nhiên, vì đốt nóng cấp tốc tre sẽ trở nên khô khốc và giòn.

Tre già tự nhiên thì phần thịt tre vẫn nhạt màu còn sớ tre đậm màu, càng lâu thì tre càng đậm màu dần, phần thịt tre đậm màu gần bằng sớ tre, sờ bề mặt tre cảm giác mát mịn chứ không thô ráp. Giá trị thẩm mỹ của tre già tự nhiên chính là ở chỗ "đẹp hơn mỗi ngày qua" ấy!

Có nhiều người chơi chim cảnh khi mua lồng muốn có 1 chiếc lồng... đẹp ngay tức thì, nên rất thích những chiếc lồng tre "già nhân tạo". Nhưng đối với những nghệ nhân chơi chim cảnh và chơi lồng thì kiểu "ăn xổi" xem như chỉ mới ở "cảnh giới"... xài lồng chứ chưa đạt tới "cảnh giới"... chơi lồng. Nhận xét đó là hợp lý, bởi lẽ chơi lồng cũng tương tự như chơi chim hót, niềm vui của người chơi là chú chim ngày càng đẹp, hót/ đấu ngày càng hay như một sự đáp trả cho công chăm sóc của chủ nhân. Lồng chim cũng thế, tuy là vật vô tri không có sức sống nhưng trong mắt một nghệ nhân thực thụ thì không thế, bởi lẽ một lồng tre già sẽ dần xuống màu theo thời gian, ngày càng đậm đà và đẹp hơn đáp trả công lau chùi nâng niu của chủ nhân. Đó chính là điều tạo nên hứng thú đối với người "chơi lồng".

Có lẽ các chị - các cô - các bà có đeo vòng cẩm thạch là thấu hiểu nhất cái cảm giác thích thú khi có người khen chiếc vòng cẩm thạch mình đeo qua một thời gian "lên nước" đẹp quá. Vì thế, những nghệ nhân có hứng thú chơi lồng là những người sành sỏi phân biệt tre già tự nhiên hay già nhân tạo. Với họ, tre già nhân tạo là vô nghĩa, không đáng giá. Quả vậy, cái đẹp "dao kéo" là cái đẹp mau tàn, dễ chán; cái đẹp nội tại và tự nhiên mới là cái đẹp gây cuốn hút và lâu bền.

Nhắc đến thú chơi lồng chợt nhớ gần đây một nghệ nhân chơi chim hót ở miền Bắc là khách quen thuộc của LCTB có chia sẻ 1 kinh nghiệm của các nghệ nhân lão thành: những lúc rảnh rỗi ngồi ngắm chiếc lồng tre già "lên nước" thường hay lau chùi cho nó ngày càng bóng đẹp hơn, nhưng không dùng giấy nhám nước mà dùng... lá chuối khô! Không phải lá chuối nào cũng được mà phải là lá của loại chuối sứ mới được (chuối cho chào mào ăn). Thế mới biết tuy trong lồng chẳng có con chim nào, tuy chiếc lồng chẳng có một nét chạm trổ nào nhưng các bô lão cứ ngày ngày ngắm nghía, ngày ngày lau chùi cẩn thận.... tất cả là bởi sự đam mê của một thú chơi tao nhã!

Nói đến thú chơi lồng hẳn ai cũng nghĩ ngay đến những chiếc lồng tiền tỷ của các đại gia. Tuy nhiên, đối với những nghệ nhân chơi lồng thực thụ thì chưa hẳn những chiếc lồng chạm trổ hoành tráng, độ xương, độ ngà ấy có thể có sức thu hút hơn một chiếc lồng tre già lâu năm lên nước của họ. Bởi nhìn vào lồng của các đại gia thì không phải ngắm lồng, không phải đánh giá kỹ thuật làm lồng, không phải ngắm chất tre mà chỉ là ngắm những nét chạm hoa mỹ, cầu kỳ. Đó là thưởng lãm tay nghề chạm trổ, là chơi chạm, chơi xương, chơi ngà... chứ đâu phải chơi lồng!
_LCTB_

______________________________________
Đối với LCTB, ngay từ ban đầu đã khẳng định một cách rõ ràng rằng LCTB không sử dụng tre sấy. Đó là bởi LCTB thấu hiểu được sự hứng thú của người chơi lồng và mong muốn đưa đến người chơi sản phẩm không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn mang giá trị thẩm mỹ và hơn thế là mang đến giá trị nhân văn cho người chơi.
http://longchimtanbien.blogspot.com/2012/11/long-chim-tan-bien-bien-hoa.html
[LCTB được sản xuất bằng nguyên liệu tre già (chỉ sử dụng loại tre làm hàng mỹ nghệ) đã qua xử lý chống mối, mọt. Sản phẩm lên màu tự nhiên của tre. LCTB không sử dụng tre Bắc và không sử dụng "công nghệ" sấy tre tạo vẻ tre già (không tự nhiên).]

Nói đến "giá trị nhân văn" nghe có vẻ to tát quá, cường điệu quá; nhưng thật sự là thế. Việc lau chùi và kiên nhẫn chờ đợi chiếc lồng bóng đẹp dần lên mỗi ngày (cũng như chăm sóc 1 chú chim để nó đẹp hơn, hót hay hơn mỗi ngày) có thể xem là một cách đem lại sự cân bằng giữa một cuộc sống tất bật và hối hả rất dễ gây stress này. Một thú chơi lành mạnh và tao nhã chính là một nét đẹp nhân văn ở nơi mỗi con người!

27 tháng 7, 2013

19- Lồng chim và Tâm lý học P1

Lồng chim và tâm lý học

Hẳn mọi người đều thừa nhận và khẳng định một cách chắc chắn từ lâu rằng: chơi chim cảnh và chim hót là một thú chơi tao nhã.

Rất nhiều người đã đi từng bước dần dần từ yêu thích đến đam mê những chú chim không chỉ đẹp về hình dáng, năng động vui mắt... mà còn sở hữu những giọng hót mang nhiều sắc thái âm thanh trầm bổng, du dương, lảnh lót... Niềm yêu thích hay đam mê này cũng thể hiện qua nhiều cách thức khác nhay tùy điều kiện, khả năng và ý thích riêng của mỗi người. Có người muốn mau chóng có được chú chim hay, đẹp để thỏa mãn niềm đam mê của mình cách mau lẹ, nhưng có những người lại hết sức kiên nhẫn chăm sóc cho những chú chim được xem là có triển vọng... và việc thấy những chú chim đẹp hơn, hay hơn theo thời gian và công sức bỏ ra chăm sóc đem đến niềm vui và sự hứng khởi cho người chơi.

Đi kèm với thú chơi tao nhã này dĩ nhiên không thể thiếu những chiếc lồng. Tuy chỉ là những vật dụng vô tri nhưng lồng chim góp phần tô điểm và làm sinh động hóa cho thú chơi này. Không ít người không chỉ là chơi chim mà dần dần... chơi lồng. Và thú chơi lồng cũng đa dạng chẳng kém gì chơi chim, có người chú trọng đến kiểu dáng, người khác lại chú trọng tới chất liệu, chi tiết, màu sắc, chất lượng, tính thẩm mỹ... Có người muốn mau chóng có được chiếc lồng đẹp để thỏa mãn niềm đam mê của mình cách mau lẹ, nhưng có những người lại hết sức kiên nhẫn chăm chút giữ gìn cho những chiếc lồng tuy không phải vật thể sống nhưng vẫn biến đổi màu sắc đậm đà theo thời gian. Có những chiếc lồng không hề chạm trổ, không khắc họa, không chi tiết cầu kỳ nhưng màu sắc đậm đà theo thời gian (giống như những chiếc vòng đá cẩm thạch đeo càng lâu càng "lên nước" càng đẹp hơn) khiến người chơi ngắm đến mê mẩn.

Vậy, lồng chim và tâm lý học có liên quan gì?
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người (cụ thể đó là những cảm xúc, ý chí và hành động). Thông qua những chiếc lồng mà người chơi nâng niu thích thú, người ta cũng có thể đoán biết được phần nào tính cách của người chơi. Bởi chiếc lồng của người chơi phù hợp với sở thích của người đó, mà sở thích gắn liền với tâm tính của con người.

Ở VN, lồng chim được chú ý nhiều nhất là của 3 vùng miền Bắc - Trung - Nam, cụ thể là: lồng Vác (Bắc), lồng Huế (Trung) và lồng Biên Hòa (Nam). Mỗi vùng miền có những loại lồng mang kiểu dáng riêng, đặc trưng riêng. Tuy nhiên, nếu xét trên một loại lồng mà địa phương nào cũng có như lồng chào mào (lồng hình trụ), thì nét lồng mỗi nơi cũng khác, thể hiện "gu" (gout) sử dụng lồng chim ở mỗi vùng miền:

- Lồng Vác: có thể nói khó tìm thấy một đặc trưng riêng nào của làng Vác. Chính những người chơi chim ở miền Bắc cũng có nhận xét như thế. Bởi lồng chào mào Vác như một sự pha trộn những nét lồng ở nơi khác mà đặc biệt là từ lồng Huế (phần đế lồng: tang và chân) và lồng Trung Quốc (các chi tiết phụ và chân). Có lẽ những người thích chơi lồng Vác là những người có đa tính cách, dễ dung nạp và hòa trộn những cái đẹp và mới lạ.

- Lồng Huế: một đặc trưng dễ nhận thấy ở lồng chào mào (tròn) là phần đế lồng (tang lồng) to bản, vành và nan to dầy. Lồng Huế tạo nên một cảm giác rất chắc chắn. Người thích chơi lồng Huế thường là có tính cách hướng về tính truyền thống, đôi khi bị xem là hơi "cứng nhắc", hơi "bảo thủ" một chút.

- Lồng Biên Hòa: có thể nói nét lồng Biên Hòa có sự đối lập rất rõ với lồng Huế. Lồng Biên Hòa có nét thanh thoát mang đặc trưng tính cách "phóng khoáng" của người dân Nam Bộ. Không như lồng Huế hoặc lồng Vác, lồng Biên Hòa có phần đế và chân thấp hẳn và tre được mài mỏng, vành mỏng, bộ khung chao (gánh) thon nhỏ.

Theo xu hướng hiện tại, lồng chào mào tròn của Vác và của Huế không xuất hiện nhiều ở miền Nam do không hợp sở thích. Còn lồng Biên Hòa dường như ngày càng được nhiều người chơi chim ở khu vực miền Bắc ưa chuộng, ở khu vực miền Trung thì chỉ một số người chơi chim tuổi đời trẻ thích dáng lồng Biên Hòa.
_LCTB_ 
___________________________________________
[* Sự so sánh ở trên chỉ dựa trên 1 kiểu lồng chào mào dáng tròn (hình trụ)]